Phân tích Chàng Mèo Mang Mũ

Philip Nel đặt nhân vật Mèo trong tác phẩm vào truyền thống những kẻ giảo hoạt trong nghệ thuật Mỹ, bao gồm các nhân vật tiêu đề trong The Music Man của Meredith WillsonThe Wonderful Wizard of Oz của L. Frank Baum.[34] Nel cũng cho rằng Geisel đồng nhất với nhât vật Mèo, chỉ ra bức chân dung tự họa của Geisel trong đó ông xuất hiện với tư cách là Mèo, được xuất bản cùng với hồ sơ Geisel trên tờ The Saturday Evening Post ngày 6 tháng 7 năm 1957. Cựu biên tập viên của Geisel là Michael K. Frith đồng tình cho rằng "The Cat in the Hat và Ted Geisel không thể tách rời và giống nhau. Tôi nghĩ rằng không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là con người thích thú với sự hỗn loạn trong cuộc sống, người say mê với sự điên rồ dường như của thế giới xung quanh." Ruth MacDonald khẳng định rằng mục tiêu chính của Mèo trong sách là giúp vui cho bọn trẻ. Mèo gọi đó là "niềm vui thật vui",[lower-alpha 9] MacDonald phân biệt với niềm vui thông thường theo khuôn phép mà cha mẹ áp đặt lên con cái.[35] Trong bài báo "Was the Cat in the Hat Black?",[lower-alpha 10] Philip Nel rút ra mối liên hệ giữa Mèo và các mô tả rập khuôn về người Mỹ gốc Phi, bao gồm các buổi hát rong nhạo báng người da đen, tranh biếm họa lấy cảm hứng từ đó của chính Geisel ngay thuở mới vào nghề và việc sử dụng thuật ngữ "cat" để chỉ các nhạc sĩ nhạc jazz.[36] Theo Nel, "Ngay cả khi [Geisel] viết những cuốn sách nhằm thách thức định kiến, ông không bao giờ hoàn toàn bỏ đi những giả định về văn hóa đã cùng ông lớn lên, và có thể không nhận ra cách trí tưởng tượng của ông đã sao chép các ý thức hệ chủng tộc mà bản thân cố tình bác bỏ."[37]

Geisel từng gọi con cá trong The Cat in the Hat là "phiên bản Cotton Mather của tôi"

Geisel từng gọi nhân vật cá trong truyện là "phiên bản Cotton Mather của tôi". Mather là nhà đạo đức Thanh giáo đã cố vấn cho các công tố viên trong những phiên tòa phù thủy Salem.[38] Betty Mensch và Alan Freeman ủng hộ quan điểm này khi viết "Dựa trên chủ nghĩa tượng trưng của Cơ Đốc giáo cổ (hình ảnh con cá), Dr. Seuss miêu tả con cá như một loại siêu ngã luôn lằm bằm, hiện thân của đạo đức được quy ước hóa hoàn toàn." Philip Nel chép rằng các nhà phê bình khác cũng đã so sánh con cá với siêu ngã (superego).[lower-alpha 11] Anna Quindlen gọi Mèo là "bản năng thuần túy" (pure id) còn lũ trẻ trung gian giữa Mèo và cá chính là bản ngã (ego). Tuy nhiên, Mensch và Freeman cho rằng Mèo bày tỏ ra các yếu tố của cả bản năng và bản ngã.[38]

Trong phân tích về nhân vật cá, MacDonald khẳng định rằng cá đại diện cho tiếng nói của người mẹ vắng mặt.[39] Xung đột giữa cá với Mèo, không chỉ vì Mèo không mời mà xuất hiện nhưng còn liên quan cả mối quan hệ thú săn - con mồi cố hữu cũng tạo ra kịch tích. Bà chỉ ra rằng ở trang cuối sách, trong lúc lũ trẻ chần chừ không muốn kể cho mẹ nghe những gì xảy ra khi mẹ vắng nhà, con cá đem lại cho độc giả một cái nhìn hiểu biết, đảm bảo rằng "có điều gì đó đã xảy ra nhưng im lặng giúp ổn thỏa hơn trong trường hợp này". Alison Lurie đồng tình mà viết "có một gợi ý rõ ràng chắc chắn rằng lũ trẻ đừng kể cho mẹ nghe."[40] Bà lập luận rằng, trong việc Mèo phá hỏng nhà cửa, "lũ trẻ — không chỉ là nhân vật trong truyện mà còn chính là độc giả nữa — gián tiếp bỏ kiềm chế những xung động phá hoại của bản thân mà không có hậu quả hay cảm giác tội lỗi gì." Trong bài báo năm 1983, Geisel nói với Jonathan Cott, "The Cat in the Hat là cuộc cách mạng chống lại kẻ cầm quyền, nhưng được cải thiện vì thực tế là cuối cùng Mèo đã dọn dẹp xong mọi thứ. Đây là kiểu cách mạng Kerensky rồi dừng lại. Cách mạng không tiến xa như Lenin."[41]

Donald Pease bày tỏ rằng The Cat in the Hat có một số điểm tương đồng về cấu trúc với các sách khác của Dr. Seuss. Giống như những sách trước đó, The Cat in the Hat bắt đầu với "cảm giác bất mãn của một đứa trẻ trước hoàn cảnh thực tế của mình", cảm giác này nhanh chóng lớn thêm do sự giả bộ.[42] Sách bắt đầu từ thế giới thực tế chuyển sang thế giới giả bộ với tiếng động lớn báo trước Mèo đã đến. Dù vậy, đây là cuốn sách đầu tiên của Dr. Seuss mà các nhân vật ảo, tức là Mèo và đồng bọn lại không bước ra từ trí tưởng tượng của trẻ em. Sách cũng khác với những tác phẩm trước ở chỗ Sally và anh trai tích cực tham gia vào thế giới ảo tưởng; chúng cũng thay đổi quan điểm về Mèo và thế giới của nó vào cuối chuyện.[42]